Thứ bảy, 20/04/2024 - 09:33|
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của Trường TH & THCS Thắng Lợi

Chuyên đề: DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH QUA MÔN NGỮ VĂN

Xã hội ngày càng phát triển thì việc hình thành các kỹ năng, năng lực để đáp ứng những yêu cầu phát trển đó càng trở nên quan trọng và cần thiết, nó trở thành một trong những vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội nói chung và trong hệ thống giáo dục nước nhà nói riêng.Trong định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2018 đã nêu rõ: một trong những quan điểm nổi bật là phát triển chương trình theo định hướng năng lực.

Tài liệu đính kèm: Tải về
Danh sách file:

Chuyên đề:

DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

HỌC SINH QUA MÔN NGỮ VĂN

A. LÍ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ:

          Xã hội ngày càng phát triển thì việc hình thành các kỹ năng, năng lực để đáp ứng những yêu cầu phát trển đó càng trở nên quan trọng và cần thiết, nó trở thành một trong những vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội nói chung và trong hệ thống giáo dục nước nhà nói riêng.Trong định hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2018 đã nêu rõ: một trong những quan điểm nổi bật là phát triển chương trình theo định hướng năng lực.

Năng lực được quan niệm là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức, kỹ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân,. nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định. Năng lực thể hiện sự vận dụng kết hợp nhiều yếu tố (phẩm chất, kiến thức và kỹ năng) được thể hiện thông qua các hoạt động của cá nhân nhằm thực hiện một loại công việc nào đó. Năng lực có các yếu tố cơ bản mà mọi người lao động, mọi công dân đều cần phải có đó là các năng lực chung cốt lõi. Năng lực cốt lõi bao gồm những năng lực cơ bản: năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tự quản bản thân, năng lực giao tiếp,  năng lực tính toán, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Môn Ngữ văn được coi là môn học công cụ, nó mang đặc thù riêng của môn học, do đó các năng lực chuyên biệt: năng lực tiếp nhận văn bản và năng lực tạo lập văn bản - năng lực thưởng thức văn học/cảm thụ thẩm mĩ là những năng lực đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các nội dung dạy học của môn học

Quá trình dạy học Ngữ văn đồng thời giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực, đáp ứng với các yêu cầu phát triển của xã hội, thông qua việc rèn luyện và phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói. Với đặc trưng của môn học, môn Ngữ văn triển khai các mạch nội dung bao gồm các phân môn Văn bản, Tiếng Việt,  Tập làm văn, nhằm hướng dẫn học sinh đọc hiểu các văn bản và tạo lập được các văn bản theo các kiểu loại khác nhau.

Trong quá trình hướng dẫn học sinh tiếp xúc với văn bản, môn Ngữ văn giúp học sinh từng bước hình thành và nâng cao các năng lực học tập của môn học, cụ thể là năng lực tiếp nhận văn bản (gồm kĩ năng nghe, đọc) và năng lực tạo lập văn bản (gồm kỹ năng nói và viết). Năng lực đọc - hiểu văn bản của học sinh thể hiện ở khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức về Tiếng Việt, về các loại hình văn bản và kỹ năng, phương pháp đọc, khả năng thu thập các thông tin, cảm thụ cái đẹp và giá trị của tác phẩm văn chương nghệ thuật.

Năng lực tạo lập văn bản của học sinh thể hiện ở khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức về các kiểu văn bản, với ý thức và tình yêu tiếng Việt, văn học, văn hóa, cùng kỹ năng thực hành tạo lập văn bản, theo các phương thức biểu đạt khác nhau, theo hình thức trình bày miệng hoặc viết. Thông qua các năng lực học tập của bộ môn để hướng tới các năng lực chung và các năng lực đặc thù của môn học.

Trên cơ sở đó, chuyên đề thao giảng học kì II năm học 2017 - 2018, tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Công Trứ thực hiện chuyên đề Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh qua môn Ngữ văn nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với sự phát triển của xã hội, của thời đại và đặc biệt là của ngành Giáo dục.

B.  THỰC TRẠNG:  

        Từ thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy sự sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, tự học của học sinh  ở môn Ngữ văn chưa nhiều. Dạy học vẫn nặng về truyền thụ kiến thức. Việc rèn luyện kỹ năng chưa được quan tâm. Hoạt động kiểm tra, đánh giá chưa thực sự khách quan, chính xác (chủ yếu tái hiện kiến thức), chú trọng đánh giá cuối kì chưa chú trọng đánh giá quá trình. Tất cả những điều đó dẫn tới học sinh học còn thụ động, lúng túng khi giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Điều đó thể hiện ở những tồn tại sau:

- Dạy học tích hợp đã được chú trọng, tuy nhiên, dạy học tích hợp vẫn mang
tính khiên cưỡng, nội dung tích hợp vào bài học như bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống… một cách cứng nhắc. Chưa làm cho học sinh huy động kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực… để giải quyết các nhiệm vụ học tập. Việc tích hợp nội môn và tích hợp liên môn chưa thực sự hiệu quả, chính vì vậy
chưa giúp học sinh hình thành kiến thức, kỹ năng mới và tất nhiên các năng lực của
học sinh chưa được phát triển.

- Việc vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực còn mang tính
hình thức. Phương pháp thảo luận nhóm được tổ chức ở các lớp thực hiện chương trình SGK hiện hành nhưng chủ yếu vẫn dựa vào
một vài cá nhân học sinh tích cực tham gia, các thành viên còn lại còn dựa dẫm, ỉ lại chưa thực sự chủ động. Mục đích của thảo luận nhóm chưa đạt được tính dân chủ, mọi cá nhân được tự do bày tỏ quan điểm, thói quen bình đẳng, biết đón nhận quan điểm bất đồng để hình thành quan điểm cá nhân.

- Mặc dù đã có giáo viên thực hiện thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi
cách thức tổ chức giờ nhằm đạt mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh  song kết quả chưa đạt được như mong muốn mà nguyên
nhân là:

+ Về phía giáo viên: Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng không được
thực hiện một cách triệt để, vẫn còn nặng về phương pháp truyền thống, có đổi mới song chỉ dừng lại ở hình thức, chưa đi sâu vào thực chất nhằm giúp khai thác kiến thức một cách có chiều sâu; việc hiểu hết bản chất của nhóm năng lực chung và năng lực chuyên biệt ở môn Ngữ văn ở một vài GV vẫn còn hạn chế.

+ Về phía học sinh: Học sinh ở trường chủ yếu là học sinh vùng nông thôn, học sinh dân tộc chiếm tỉ lệ gần 40%,  nên việc tiếp cận và tìm tòi những thông tin thời sự phục vụ cho bài học còn hạn chế. Một số học sinh chưa có phương pháp học tập phù hợp, chưa tích cực trong việc tìm tòi nghiên cứu bài học nên chưa đảm bảo các năng lực.

C. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ:

       Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ chú ý tích cực

hóa học sinh về mặt trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên – học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập phức hợp nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.

         Những định hướng chung, tổng quát về đổi mới phương pháp dạy học các môn học thuộc chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực là:

– Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin…), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy.

– Có thể lựa chọn một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc:  “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

– Việc sử dụng phương pháp dạy học gắn chặt với hình thức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; trong lớp học, ngoài lớp học… Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.

– Cần sử dụng đủ, hiệu quả các thiết bị dạy học môn học tối thiếu đã quy định. Có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm nếu xét thấy cần thiết với nội dung học và phù hợp với đối tượng học sinh. Tích cực vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

* Các năng lực mà môn học Ngữ văn hướng đến:
+ Năng lực tự học.

+ Năng lực giải quyết vấn đề.
+ Năng lực sáng tạo.
+ Năng lực hợp tác.
+ Năng lực giao tiếp tiếng Việt.

+ Năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
+  Năng lực tạo lập và tiếp nhận văn bản (năng lực thưởng thức văn học/cảm thụ thẩm mĩ).

* Những yêu cầu cần có trong một tiết học:

+ Phát huy tối đa các năng lực trong giờ học cho học sinh

+ Tạo không khí hào hứng, thoải  mái, tự nhiên cho học sinh trong giờ học.

+ Phát hiện năng lực chuyên biệt của học sinh

+ Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thông qua phương pháp thảo luận nhóm

+ Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thông qua phương pháp tổ chức trò chơi

+ Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh qua khả năng phản biện

D. TRIỂN KHAI CHUYÊN ĐỀ CỤ THỂ:

           Bài Rút gọn câu (Lớp 7- tiết 78 - tuần 21)

* Mục tiêu cần đạt: giúp HS

               1. Kiến thức: - Khái niệm câu rút gọn.

                   - Tác dụng của việc rút gọn câu.

                   - Cách dùng câu rút gọn.

                2. Kĩ năng:  - Nhận biết và phân tích câu rút gọn.

                     - Rút gọn câu phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

               * Kĩ năng sống: Giao tiếp, ra quyết định.

                 3. Thái độ:  Giáo dục ý thức sử dụng câu rút gọn ở những tình huống giao tiếp cụ thể để                  tránh những tác dụng tiêu cực mà câu rút gọn có thể gây ra.

                4. Năng lực:

                 - Tự học, giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ, hợp tác, giao tiếp.

                 - Tiếp nhận văn bản qua ví dụ và bài tập.

 * Cách thức tiến hành

  1. Thành công lớn nhất và có tính quyết định của tiết dạy là việc GV thực hiện tốt khâu dặn dò ở tiết trước.( những định hướng cụ thể, sát thực để học sinh nghiên cứu tìm tòi, tích hợp…)

- HS chủ động đọc, tìm hiểu các ví dụ để xác định: câu rút gọn, mục đích, cách dùng câu rút gọn.

- Từ đó vận dụng thực hành giải quyết , tìm và qui nạp những đơn vị kiến thức cơ bản.

- Phần luyện tập, không chỉ thực hành vận dụng để nhận biết câu rút gọn, rút gọn thành phần nào và trong cuộc sống nên sử dụng câu rút gọn như thế nào cho phù hợp.

  2. Chủ động thiết kế các slide và các hiệu ứng thay cho việc làm bảng phụ trước đây. Các slide vừa đáp ứng nhu cầu trực quan, vừa làm ngữ liệu khai thác, vừa tinh giảm thời gian, tăng kỹ năng thực hành... tiết dạy, ngoài các slide là ngữ liệu và khai thác các ví dụ, còn có thêm các slide các bài tập mở rộng nhằm tích hợp các chuyên đề như tăng cường các giá trị, kĩ năng sống và khả năng giải quyết tình huống có vấn đề.

  3. Xây dựng hệ thống câu hỏi và vận dụng các thao tác hợp lý.

  4. Chủ động việc vận dụng tích hợp các lượng kiến thức mà học sinh đã học.

  5. Lấy học sinh làm trung tâm, tập trung tạo nhiều tình huống cần thiết để giúp tất cả học sinh phát huy tính chủ động tích cực học tập nhằm phát huy tối đa các năng lực của HS.

  6. Để thể hiện và hoàn thành nội dung chuyên đề, bản thân giáo viên phải có ý tưởng thiết kế hệ thống slide sao cho đạt hiệu quả trong khai thác, ứng dụng hiệu ứng hiệu quả nhằm tăng khả năng tổng kết các kiến thức và vận dụng thực hành. (slide: ví dụ trực quan, các hiệu ứng phân tích, các hình ảnh miêu tả sống động…).

E. KẾT LUẬN:

      Dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học được xem như một nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục hiện đại trong xu thế đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Điểm khác nhau giữa cách dạy này so với các phương pháp dạy học trước đây là ở chỗ dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học có yêu cầu cao hơn, mức độ khó hơn, đòi hỏi người dạy phải có phẩm chất, năng lực giảng dạy nói chung cao hơn trước đây.

       Điều quan trọng hơn cả là nếu so sánh với các quan niệm dạy học trước đây, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực sẽ làm cho việc dạy và việc học được tiếp cận gần hơn, sát hơn với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người.

         Thiết nghĩ, với sự chủ động của GV trong việc tạo ra hệ thống câu hỏi, qua ứng

dụng công nghệ thông tin, gắn với việc linh hoạt vận dụng các phương pháp thích ứng có tích hợp kiến thức cũ và mới, và nhất là sự chủ động đưa vào các cách thức giáo dục kĩ năng sống... chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ được cải thiện. Với học sinh, khi đã chuẩn bị kỹ bài ở nhà, đến lớp chủ động, tích cực xây dựng bài và nhất là chủ động trong việc rèn luyện, vận dụng thực hành, hiệu quả tiết học cũng sẽ khả quan và chất

lượng được cải thiện.

                                                              

Lượt xem: 34.361
Tác giả: Trần Thị Sương
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 3
Tháng 04 : 88
Năm 2024 : 1.226